Lịch sử Cửu_vị_thần_công

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long ra lệnh thu thập tất cả các binh khí và vật dụng bằng đồng để đúc thành 9 khẩu thần công để làm vật chứng cho chiến thắng vẻ vang của mình. Công việc đúc chính thức bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1803 (năm Gia Long thứ 2 - Quý Hợi), và đặt dưới quyền giám sát của 4 người là Đô Thống chế Nguyễn Văn Khiêm (tước Khiếm Hòa hầu), Chánh quản cơ Hoàng Văn Cẩn (tước Cẩn Thận hầu), Phó quản cơ Ích Văn Hiếu (có nơi ghi tên ông là Cái Văn Hiếu) (tước Hiếu Thuận Hầu),[2] và Tham tri Bộ Công là Phan Tấn Cẩn (tước Cẩn Tín hầu). Bốn vị chỉ huy đúc súng các chức hầu có ý nghĩa: khiếm hòa, cẩn thận, hiếu thuận, cẩn tín.[3] Như vậy, để đúc thành công 9 khẩu súng thần công này, vua Gia Long đã rất thận trọng, tinh tuyển lựa chọn ra những con người ưu tú nhất, không chỉ vững vàng về trình độ chuyên môn mà còn hội tụ những đức tính cao đẹp (Khiêm hòa, Cẩn thận, Hiếu thuận, Cẩn tín) để có thể đặt trọn vẹn niềm tin vào họ.[2]

Việc đúc toàn bộ 9 khẩu súng thần công hoàn thành vào cuối tháng 12 năm 1804.

Năm Gia Long thứ 15 (Bính Tý - 1816), vua Gia Long sắc phong cho tất cả chín khẩu thần công này là "Thần oai Vô địch Thượng tướng quân". Phong vị và nội dung bài sắc phong đều được khắc trực tiếp trên thân mỗi khẩu thần công. Trên thân mỗi súng đều chạm trổ tỉ mỉ, khắc danh hiệu, vị thứ, trọng lượng, cách dùng súng, bài ký về việc tranh chấp với nhà Tây Sơn, cùng việc thu đồng để đúc súng.

Triều Nguyễn cắt cử quan quân thường xuyên túc trực bên cạnh 9 khẩu thần công này để bảo vệ, và các vua thường tổ chức các lễ cúng tế Cửu vị thần công rất long trọng. Kể từ năm 1886 dưới thời vua Đồng Khánh, triều đình bãi bỏ việc cúng tế này, nhưng những lính bảo vệ vẫn thường tự mình cúng tế.